Gần đây

Tiểu sử Lê Hoài Đôn


Đồng chí Lê Hoài Đôn - sống giản dị, chết kiên cường


Đồng chí Lê Hoài Đôn, bí danh Trường Chiến, sinh năm 1924, tại xã Phước Long, huyện Giồng Trôm, từ những năm 1937 - 1945,  học tại Trường Collège de Mỹ Tho (nay là Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP. Mỹ Tho, Tiền Giang), Trường Pétrus Ký tại Sài Gòn. Năm 1945, trước khí thế sục sôi, chuẩn bị tổng khởi nghĩa của các tầng lớp nhân dân Sài Gòn, đồng chí Lê Hoài Đôn tham gia phong trào thanh niên, rồi về quê tham gia cách mạng tại địa phương và được kết nạp vào Đảng Cộng sản. Khi Trường Cán bộ Việt Minh thành lập, đồng chí được Tỉnh ủy phân công làm cán bộ giảng dạy và phụ tá cho đồng chí Trần Trường Sinh. Các học viên, những đồng chí công tác chung trong hồi tưởng của mình, nhắc lại hình ảnh thầy Đôn lên lớp trước chiếc bàn gỗ thô sơ, với dáng người dong dỏng cao, ẩn chứa bên trong vốn kiến thức uyên bác bằng kỹ năng thuyết trình, diễn giảng gần gũi, sâu sắc. Là người nói hay, viết giỏi, do vậy ngoài làm công tác giảng dạy tại Trường Đảng, đồng chí còn được Tỉnh ủy giao nhiệm vụ tổ chức và lãnh đạo đoàn văn hóa kháng chiến Bến Tre, tiền thân Hội Văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu hiện nay. Năm 1948, đồng chí Lê Hoài Đôn được Tỉnh ủy phân công làm Giám đốc Trường Cán bộ Việt Minh, Trưởng Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy (đầu năm 1949). Tháng 11-1950, đồng chí được cử vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn quân dân chính tỉnh, phụ trách chỉ đạo vùng C (gồm các huyện Mỏ Cày, Chợ Lách, Sóc Sải). Tháng 12-1950, địch càn quét căn cứ của huyện Mỏ Cày tại vùng bưng An Qui, thuộc xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày (nay là huyện Mỏ  Cày Nam) và chúng bắt được đồng chí Lê Hoài Đôn. Trước khi bị kẻ thù hạ sát, đồng chí còn kịp hô to: Việt Nam độc lập muôn năm! Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm!

Trường THPT Lê Hoài Đôn, huyện Thạnh Phú. Ảnh: CTV
Đồng chí Lê Hoài Đôn vào Đảng năm 22 tuổi, vào Tỉnh ủy năm 24 tuổi, vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy năm 26 tuổi, sống giản dị, chết kiên cường. Là thế hệ có công đầu trong công tác Trường Đảng, Tuyên huấn của tỉnh, đồng chí cũng là người tổ chức và lãnh đạo văn học nghệ thuật, báo chí trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp.
Là thế hệ đầu tiên đứng trên bục giảng Trường Đảng tỉnh, đồng chí Trần Trường Sinh, Lê Hoài Đôn dù hóa thân vào lòng đất mẹ trước ngày toàn thắng 30-4-1975, mộ phần nằm tại Nghĩa trang Liệt sĩ Bến Tre, nhưng tên tuổi vẫn còn mãi trong sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh nhà. Tiếp tục phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn, Trường Chính trị được Tỉnh ủy cho chủ trương tạc tượng bán thân đồng chí Trần Trường Sinh. Tượng do họa sĩ Lê Dân, thực hiện bằng chất liệu thạch cao; nghiệm thu và trưng bày tại Phòng Truyền thống Trường Chính trị vào ngày 28-11-2008. Song song đó, tên hai đồng chí được đặt cho hai trường THPT của huyện Thạnh Phú, thuộc cù lao Minh, là dải đất gắn liền những năm tháng hoạt động cách mạng cuối đời của người sáng lập, người liệt sĩ đầu tiên của Trường Đảng tỉnh; góp phần viết nên những trang lịch sử vẻ vang của ngành Tuyên giáo Bến Tre, lịch sử Trường Chính trị. Sự hy sinh của hai đồng chí mãi là tấm gương sáng về người cộng sản chân chính, cống hiến tài năng, trí tuệ, quên mình vì nghĩa lớn, góp phần hình thành nên đội ngũ cán bộ cốt cán, lãnh đạo thắng lợi các phong trào cách mạng trên quê hương Đồng Khởi anh hùng.

(Bài viết có sử dụng một số tư liệu của các tác giả tại sách Lịch sử ngành Tuyên giáo tỉnh Bến Tre (1930-2010), Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bến Tre xuất bản 2013; Lịch sử Trường Chính trị tỉnh Bến Tre, xuất bản 2001)
x

Không có nhận xét nào